Giới thiệu
Cảnh báo: Bài viết này sẽ là một bài viết mình chia sẻ thẳng thắn nhất từ trước tới giờ. Tuy khá dài nhưng dù bạn đang là bất cứ ai trong thị trường tài chính: Trader, IB, thầy… cũng nên đọc. Có những thứ chúng ta ngầm hiểu, nhưng chúng ta không nói ra. Chắc chắn là nó sẽ giải đáp rất nhiều thắc mắc trong lòng của các bạn.
Đầu tiên bạn cần định nghĩa của từ KINH DOANH là gì:
“Kinh doanh là các hoạt động đầu tư, sản xuất, mua bán, cung ứng dịch vụ do các chủ thể kinh doanh tiến hành một cách độc lập, thường vì mục đích tạo ra lợi nhuận.”
Đại ý nó là một hoạt động trao đổi, mua bán, cung cấp dịch vụ nhằm tạo ra lợi nhuận. Nó là một mối quan hệ giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, trong bất cứ lĩnh vực nào, một mối quan hệ thường có 2 loại: MỐI QUAN HỆ BỀN VỮNG và MỐI QUAN HỆ KHÔNG BỀN VỮNG.
- Mối quan hệ bền vững là mối quan hệ cả 2 cùng đi lên, cùng có lợi, tức là mối quan hệ win-win.
- Mối quan hệ không bền vững nó là mối quan hệ trong đó có 1 bên đi xuống, hại nhiều hơn là lợi, hoặc cả 2 cùng có hại (win-lose, lose-lose).
Các hình thức tạo ra lợi nhuận trong thị trường tài chính
Vậy trong thị trường tài chính, hình thức kinh doanh gồm những gì:
1. Trader – Trader
Đây là hình thức kinh doanh mà mình bắt đầu đầu tiên trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc mua bán, trao đổi nó không hẳn là với một đối tượng cụ thể. Mối quan hệ ở đây là: trader và thị trường (gồm rất nhiều trader khác tạo nên).
Trader chính là những người mua, bán và tạo nên tổng thể thị trường. Bản chất thị trường thì vẫn luôn vậy. Mối quan hệ giữa trader và thị trường là một mối quan hệ TRUNG LẬP – không ai hại ai, mà nó còn là 1 phần của nhau.
Mối quan hệ chúng ta cần quan tâm hơn, đó là với CHÍNH CHÚNG TA. Bền vững hay không là tự chúng ta quyết định. Chúng ta tiếp cận với thị trường như thế nào: Là một con bạc thiêu thân hay một người có chiến lược, kế hoạch cụ thể để kiếm tiền…
Có hại hay có lợi – kiếm được hay mất là ở chúng ta có dẫn dắt bản thân đi đúng hướng hay không.
2. Chủ sàn – Trader
Chủ sàn thường là một tổ chức lớn đứng ra là một cái chợ để cho người mua và người bán gặp nhau. Là một trader, mối quan hệ chúng ta cần chú ý đó là: Chủ sàn và Trader.
Mối quan hệ bền vững:
Chủ sàn cung cấp những dịch vụ uy tín, nạp rút tốt, nguồn giá tốt… Để trader có một nơi giao dịch tốt và chủ sàn nhận lại đó là Phí giao dịch trên mỗi lệnh. Cả 2 đều win win.
Mối quan hệ không bền vững:
Những sàn dởm, cũng cập dịch vụ tệ, 1 thời gian là sập… Lúc này, người gặp hại đó chính là trader.
3. IB (Introduce Broker) – Trader
Đây cũng chính là một mối quan hệ GÂY TRANH CÃI nhất. Chúng ta hãy khám phá thực hư như thế nào.
Ở trên chúng ta đã biết, sản phẩm mà SÀN bán đó chính là “Nơi để bạn có thể trade” và Sàn thu về phí giao dịch (mình đang nói tới sự chính thống, chưa nói tới những hình thức biến tướng).
Ngoài những hình thức quảng cáo và marketing, IB chính là đội ngũ bán sản phẩm đó và được trích một phần phí giao dịch từ sàn. Giống như bất kỳ lĩnh vực nào từ bất động sản, nội thất, ăn uống, may mặc… Đều có những người bán hàng.
Như vậy về bản chất nếu không biến tướng, mối quan hệ giữa Sàn – IB – Trader là một mối quan hệ bền vững.
Mối quan hệ bền vững:
Trader – Sàn: Trader muốn có nơi giao dịch tốt thì cần trả phí cho sàn.
Sàn – IB: Sàn có sản phẩm tốt muốn có nhiều người giao dịch thì ngoài quảng cáo, cần có IB. Sàn sẽ trích 1 phần phí giao dịch cho họ.
IB – Trader: IB muốn có trader thì phải hỗ trợ, tư vấn, có mục đích giúp trader thực sự… Điều họ nhận được đó chính là commission từ sàn.
Trader không phải mất gì cho IB nhưng vẫn nhận được sự hỗ trợ từ IB.
Nghe có vẻ có lợi, nhưng sự thật thì hầu hết đều bị BIẾN TƯỚNG và trở thành một mối quan hệ không bền vững.
Mối quan hệ không bền vững:
IB vì muốn có nhiều trader, muốn trader giao dịch nhiều nên đủ loại chiêu trò, bất chấp trader có thắng hay thua, miễn sao giao dịch nhiều… Trader cũng không có kiến thức, tham lam mù quáng nghe theo. Cũng giống như những môi giới không có tâm ở những ngành nghề khác.
Dù trader không mất gì cho IB cả, nhưng trader bị dẫn dắt, tư vấn sai từ IB. Thậm chí có những IB giới thiệu những sàn giao dịch không uy tín. Lúc này, người bị hại sẽ là trader. Miễn có 1 bên đi xuống, có hại (1 bên lose) thì sẽ là một mối quan hệ không bền vững.
Lúc này chính Trader phải có kiến thức để phân biệt tốt xấu là như thế nào.
4. Giáo viên – Học viên
Hay nói một cách dài dòng đó là: Người truyền kiến thức và Người nhận kiến thức. Mối quan hệ này cũng xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực: Giáo dục, kinh doanh, bất động sản,… Nó có thể xuất hiện ở dạng offline, online, sách, khóa học…
Nếu không biến tướng, thì nó sẽ là một mối quan hệ bền vững:
Thầy dạy kiến thức, cách làm… Người học trả phí ĐÚNG VỚI GIÁ TRỊ được học.
Với thời đại như hiện nay, người học có thể học bất cứ thứ gì MIỄN PHÍ thông qua thầy GOOGLE. Tuy nhiên, miễn phí cũng sẽ gồm kiến thức CÓ GIÁ TRỊ và KHÔNG GIÁ TRỊ. Người học cần bỏ công sức là chọn lọc và tự thân mày mò học hỏi.
Đáng tiếc là mối quan hệ này cũng HẦU HẾT BỊ BIẾN TƯỚNG thành mối quan hệ không bền vững:
Đơn giản là người học trả phí KHÔNG ĐÚNG VỚI GIÁ TRỊ được học.
Thầy không làm được, lấy kiến thức từ chỗ khác về dạy lại mà lại thu học phí cao, không áp dụng được… Người học thì ảo tưởng, tham lam, không tìm hiểu kỹ… Lúc này người học giống như bị “Mua hớ giá“, cũng chẳng khác nào bị “Đu đỉnh“.
Nguồn thu nhập của mình đến từ đâu?
Giải thích như vậy bạn cũng hiểu như thế nào là một mối quan hệ bền vững và không bền vững trong thị trường này. Vậy thu nhập từ thị trường tài chính đến từ đâu? Lĩnh vực ngoài mình không muốn nói tới, mình chỉ muốn nói trong thị trường tài chính và các bạn cũng có thể rõ ràng nhận thấy:
1. Trading & Đầu tư dài hạn
Giống như mình nói ở trên, đây là nguồn thu nhập đầu tiên. Mình cũng từng trải qua những mối quan hệ không vững với sàn, IB, thầy dỏm khi mới bước vào nghề…
Hiện tại đang ở mối quan hệ trung lập với thị trường. Còn mối quan hệ với CHÍNH BẢN THÂN mình thì là BỀN VỮNG, vì mình đã sống được với nghề, không còn để cảm xúc chi phối.
2. Introducing Broker
Thông qua việc chia sẻ kiến thức hữu ích trên kênh youtube Nukida, nếu bạn cảm thấy hữu ích và muốn ủng hộ mình thì có thể đăng ký thông qua link IB của mình tại: https://nukida.com/brokers để mình có nhiều động lực chia sẻ hơn nữa.
Tất nhiên những sàn giao dịch mà mình giới thiệu đều là những sàn uy tín mà mình đang sử dụng, bạn có thể tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đăng ký tài khoản. Bạn cũng sẽ được mình tư vấn, giúp đỡ thêm khi cần hỗ trợ. Tất nhiên điều này hoàn toàn tự nguyện, bạn không cần cũng không sao.
3. Khóa học
Có thể trong thị trường này, đây là một vấn đề nhạy cảm. Thị trường không có nhiều người giao dịch có lãi, đồng nghĩa với việc IB, thầy có kiến thức tốt cũng không nhiều. Chính vì vậy, hầu hết IB, thầy bà đều được cho là XẤU và được gán cái tên thân mật là BỌN.
Câu hỏi muôn thủa là: “Trade tốt rồi thì còn dạy hay làm IB làm gì?”. Bản thân mình cũng từng hỏi những câu như vậy.
Có thể không có nhiều “Thầy” dám nói trực tiếp về cái này, nhưng mình sẽ chia sẻ một cách thẳng thắn nhất. Mình dám chia sẻ vì đơn giản quan điểm của mình trong mọi mối quan hệ hoặc kinh doanh là xây dựng MỐI QUAN HỆ BỀN VỮNG (Win-Win).
Bởi vậy, kể cả việc mình có khóa học không thể phủ nhận việc nó mang lại thêm nguồn thu cho mình. Mình cũng không ngại khi nói về điều này. Tuy nhiên thì nó vẫn đúng với quan điểm của mình trong kinh doanh, xây dựng một mối quan hệ Win-Win: Đúng với giá trị.
Mình cũng không dụ dỗ, lôi kéo để người khác phải học, mọi thứ đều là tự nguyện và dành cho ai có điều kiện hơn vì mình cũng cần phải bỏ thêm thời gian, công sức và chất xám ra để chia sẻ lại. Nếu không có điều kiện bạn vẫn có thể học miễn phí trên kênh Youtube Nukida, chúng đều là những kiến thức chất lượng mình đúc kết và vẫn đang áp dụng.
Tất cả đều là tự nguyện, dù miễn phí hay không mình đều muốn đưa giá trị tốt nhất tới các bạn.
Như vậy, tất cả đều Win. Nó là mối quan hệ BỀN VỮNG.
Mình không cam kết hay hứa hẹn việc học xong khóa học sẽ thành công vì việc hướng dẫn, chia sẻ, hỗ trợ hết mức có thể là ở phía mình, còn việc học, áp dụng, thực hành là ở phía mỗi người. Mình cũng không cần nói dối về việc này.
Những ai có thành quả mình đều có lưu lại để làm tư liệu tại đây. Còn những ai chưa có kết quả tốt thì mình cũng có thể lường trước được vì mình không thể đảm bảo 100% đều có kết quả giống nhau. Thậm chí có những người nghĩ rằng chỉ cần học là kiếm được tiền, sau đó đăng ký học nhưng không chịu học bài bản, không chịu hỏi, chỉ ham vào lệnh. Cho tới khi không thành công hoặc bị thua lỗ thì quay sang công kích lại hoặc nói xấu. Khi kiểm tra lại thống kê những lệnh đã vào thì hầu như toàn là những lệnh lớn, vào theo cảm tính mà không theo quy tắc, không đúng lộ trình…
Ở lớp nào cũng vậy, trong 1 lớp luôn có những người chăm chỉ và những người không chăm chỉ. Không có một học sinh giỏi nào đến từ việc giáo viên giỏi mà học sinh đó không cần chăm chỉ. Mình biết điều này nên những chuyện như vậy mình coi nó là điều bình thường. Mình chỉ cần tập trung làm tốt nhất việc của mình đó là hỗ trợ, giải đáp và chia sẻ hết mức có thể, luôn khuyến khích mọi người học nhiều, hỏi nhiều thì mới có thể hiểu sâu hơn các vấn đề.
Hơn nữa, mình muốn chia sẻ phương pháp đúng đắn tới mọi người. Điều quan trọng nhất trong giao dịch đó chính là backtest. Nó giống như việc mình kiểm nghiệm lại 1 phương pháp liệu có hiệu quả trong thời gian dài hay không.
Không có nhiều người để ý tới điều này, vào thị trường là muốn vào lệnh ngay lập tức, dù không biết phương pháp đúng hay không. Thậm chí có những phương pháp nổi tiếng trên thế giới được chia sẻ rộng rãi, nhưng khi mình backtest thì mới thấy không hiệu quả, ít nhất là với bản thân mình. Vì vậy, chính các bạn nên kiểm chứng bất kỳ một phương pháp nào bạn muốn trade, tiết kiệm thời gian nhất là dùng backtest.
4. Chủ sàn
Cá nhân mình thì chưa đủ tiềm lực, ít nhất phải là 1 tổ chức. Hơn nữa, ở Việt Nam cũng chưa chính thức công nhận nên quá xa vời. Tất nhiên mình đang nói về 1 sàn tốt, còn sàn scam thì rất nhiều.
Tổng kết
Nếu ai đã và đang kinh doanh chân chính cũng sẽ hiểu những điều trên.
Hình thức không quan trọng, dù là IB, thầy, chủ sàn, trader… Dù là nhóm tín hiệu, copytrade, quỹ… Nếu bạn hỗ trợ người khác tốt, chất lượng tốt, họ hài lòng với những gì họ bỏ ra, nếu tín hiệu tốt, copytrade, quỹ… có lời, tất cả đều có lợi, ai cũng win thì lấy đâu ra những trường hợp kêu khóc, lừa đảo, scam…
Hình thức nó giống như là CUNG CẦU, đều có bên cung cấp và đều có bên có nhu cầu. Nó không có lỗi, lỗi nằm ở CON NGƯỜI: là sự biến tướng, là sự thiếu hiểu biết, là lòng tham… nên mới xảy ra những câu chuyện đau lòng.
Dù là bất cứ ai ở thị trường này, nếu bạn là người CUNG, hãy hướng tới mối quan hệ BỀN VỮNG – cả 2 cùng có lợi, đúng giá trị, thuận mua vừa bán. Hãy học hỏi, trau dồi bản thân, chia sẻ những giá trị thực sự giúp đỡ tới nhiều người, hoạt động kinh doanh của bạn chắc chắn sẽ tốt.
Nếu bạn là người CẦU, hãy biết định giá và cân nhắc mọi thứ, đừng để lòng tham kiểm soát mà “mua hớ” hay “đu đỉnh” – mua những thứ không đúng giá trị, để rồi tới lúc bỏ một đống tiền học xong mà không thu về được gì. Chính bạn sẽ phải trả giá cho điều đó.
Bài viết khá dài, nhưng hi vọng mọi người hiểu điều mình muốn truyền đạt và phần nào nó có thể giúp bạn đi những con đường đúng đắn, không chỉ trong thị trường này mà trong tất cả các lĩnh vực xung quanh cuộc sống của bạn.